02046261818
xkldico@gmail.com
9 tuổibannerbannerbanner

Trang chủ

Tin tức

Tin đời sống xã hội

ĐIỀU GÌ DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG BẤT NGỜ CỦA NHẬT BẢN TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG COVID-19?

Chỉ trong thời gian ngắn, Nhật Bản đã trở thành câu chuyện thành công về chống dịch Covid-19. Theo các chuyên gia, đây là một câu chuyện gây ấn tượng sâu sắc và có phần bí ẩn.

Thành công bất ngờ của Nhật Bản

Số ca mắc mới theo ngày tại thủ đô Tokyo đã giảm mạnh từ mức đỉnh điểm gần 6.000 ca mắc vào giữa tháng 8 vừa qua, xuống chỉ còn chưa đến 100 ca ở thời điểm hiện tại – mức thấp nhất trong năm nay. Các quán bar chật cứng người, các chuyến tàu đông đúc, xen lẫn là tâm trạng ăn mừng của người dân. Vậy điều gì đã làm nên thành công của đất nước “mặt trời mọc” trong cuộc chiến chống Covid-19?

Người dân Nhật Bản tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Không giống như những quốc gia khác tại châu Âu và châu Á, Nhật Bản chưa bao giờ thực hiện các biện pháp giống như phong tỏa, thay vào đó ban bố tình trạng khẩn cấp mỗi khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng.

Có nhiều yếu tố được cho là dẫn đến thành công của Nhật Bản, trong đó phải kể đến việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng trong thời gian ngắn, hạn chế các hoạt động về đêm, văn hóa đeo khẩu trang tồn tại lâu đời và thời tiết xấu cuối tháng 8 vừa qua khiến mọi người phải ở trong nhà.

Nhưng trong bối cảnh hiệu quả của vaccine đang dần suy yếu và mùa đông đến gần, các chuyên gia vẫn lo lắng vì chưa biết chính xác lý do tại sao số ca mắc lại giảm nhanh đến như vậy. Nhiều người cho rằng, Nhật Bản có thể phải đối mặt với một làn sóng mới tương tự như mùa Hè năm nay – khi bệnh viện quá tải với những ca bệnh nghiêm trọng và con số tử vong tăng vọt, mặc dù tỷ lệ tử vong hiện giờ đang thấp hơn so với giai đoạn chưa triển khai tiêm chủng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chiến dịch tiêm chủng đã giúp làm giảm số ca mắc tại nước này. Đến thời điểm hiện tại, gần 70% dân số Nhật Bản được tiêm phòng đầy đủ.

Nhật Bản bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào giữa tháng 2/2021, ưu tiên trước hết cho các nhân viên y tế và những người cao tuổi. Tuy vậy, tình trạng khan hiếm vaccine nhập khẩu đã khiến quá trình tiêm chủng tại Nhật Bản bị chậm lại cho đến cuối tháng 5. Sau khi vấn đề khan hiếm được giải quyết và nguồn cung ổn định hơn, nước này đã nâng mục tiêu tiêm chủng lên trên 1 triệu liều mỗi ngày để tối đa hóa khả năng bảo vệ dịch bệnh trước Thế vận hội Olympics diễn ra từ ngày 23/7 đến 8/8. Số lượng liều vacine sử dụng theo ngày đã tăng lên khoảng 1,5 triệu liều vào tháng 7, giúp nâng tỷ lệ tiêm chủng từ 15% vào đầu tháng 7 lên đến 65% vào đầu tháng 10, vượt qua cả Mỹ.

Riêng trong ngày 17/10, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 429 ca mắc mới trên toàn quốc, trong đó thủ đô Tokyo ghi nhận 40 ca - dưới 100 trường hợp trong ngày thứ 9 liên tiếp, là mức độ thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Như vậy, Nhật Bản đã có tổng cộng 1,71 triệu ca mắc và 18.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu từ đầu năm 2020.  

Lo ngại trường hợp xấu nhất

Tại sao số ca mắc tại Nhật Bản lại giảm mạnh trong thời gian ngắn như vậy? Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Norio Ohmagari cho biết: “Đó là một câu hỏi khó và chúng ta phải xem xét tác động của tiến trình tiêm chủng. Tác động có thể rất lớn. Ngoài ra, những người tụ tập trong môi trường có nguy cơ cao, chẳng hạn như những nơi đông đúc hoặc kín gió, có thể đã mắc bệnh và đạt được khả năng miễn dịch”.

Các biện pháp khẩn cấp của Nhật Bản không phải là phong tỏa, mà chủ yếu tập trung vào những hạn chế như yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa sớm, không phục vụ đồ uống có cồn. Người dân vẫn được phép đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, tham gia những sự kiện văn hóa và thể thao tại các sân vận động, nhưng phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội.

Hiện tại, Nhật Bản đã chấm dứt các biện pháp khẩn cấp. Chính phủ nước này đang mở rộng các hoạt động kinh tế, xã hội, đồng thời cho phép tổ chức các sự kiện thể thao và những chuyến du lịch trọn gói trên cơ sở thử nghiệm, bằng cách sử dụng giấy chứng nhận tiêm vaccine và tăng cường xét nghiệm.

Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, cựu Thủ tướng Yoshihide Suga – người vừa rời nhiệm sở, trước đó đã gia tăng số lượng nhân viên y tế, mở các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn và thúc đẩy tiêm phòng tại nơi làm việc bắt đầu từ cuối tháng 6/2021. Trong một cuộc họp của ban cố vấn chính phủ trong thời gian gần đây, giáo sư Hiroshi Nishiura, thuộc Đại học Kyoto cho biết, tiêm phòng đã giúp khoảng 650.000 người tránh bị mắc bệnh và cứu sống hơn 7.200 người trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9. Hầu hết số ca nghiêm trọng và ca tử vong đều xảy ra với những người chưa được tiêm phòng ở độ tuổi 50 hoặc trẻ hơn.

Tuy vậy, tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vẫn chưa phải là lý do thật sự thuyết phục để trả lời cho câu hỏi nói trên. Các chuyên y tế công cộng muốn có một cuộc điều tra toàn diện về nguyên nhân khiến số ca mắc giảm mạnh. Phân tích dữ liệu GPS cho thấy, hoạt động của mọi người tại các khu giải trí lớn ở trung tâm các thành phố đã giảm khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3, kết thúc vào ngày 30/9.

Theo Báo điện tử VOV.VN

Hotline: 02046261818